Sáng ngày 4/4, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên phối hợp với Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ, ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo "Khai thác tài sản trí tuệ của Trường đại học: Hiện trạng và định hướng phát triển" nhằm hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/04) và thực hiện Kế Hoạch Chiến Lược trong giai đoạn 2021 - 2025 của nhà trường.
Tham dự chương trình có, PGS. TS. Nguyễn Văn Hiếu – Phó trưởng ban Ban Khoa học – Công nghệ, ĐHQG-HCM; PGS. TS. Từ Diệp Công Thành – Giám đốc Trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ĐHQG-HCM; PGS. TS. Trần Lê Quan – Hiệu trưởng trường ĐH KHTN; PGS. TS. Trần Minh Triết – Phó hiệu trưởng cùng các đơn vị, cá nhân, các nhà khoa học trong và ngoài trường.
Nội dung của cuộc hội thảo xoay quanh hiện trạng đăng ký bảo hộ và định hướng phát triển tài sản trí tuệ của trường Đại học Khoa học Tự nhiên nói riêng và các cơ sở đào tạo, nghiên cứu bậc đại học nói chung trong bối cảnh tự chủ, hướng đến mục tiêu xây dựng nền tảng hỗ trợ các nhà khoa học đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ từ trường đại học.
Tại hội thảo, PGS. TS. Từ Diệp Công Thành đã nêu lên một vấn đề cần quan tâm hiện nay, đó là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chưa được thực hiện quán triệt một cách hiệu quả và làm cách nào để bảo vệ được sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, PGS. TS. Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện Tế bào gốc cũng đã có một vài chia sẻ về kinh nghiệm của Viện trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bao gồm: 1. Phân loại kết quả nghiên cứu, 2. Làm ‘chín’ công nghệ: nghĩa là các công nghệ để đưa ra phục vụ khách hàng phải đủ độ thành thục và được thực nghiệm nhiều lần, phải đáp ứng yêu cầu từ mức 7 trở lên, 3. Đồng hành với khách hàng sử dụng công nghệ, 4. Nghiên cứu công nghệ bài bản: xây dựng bản đồ công nghệ, xác định năng lực công nghệ và đề ra lộ trình công nghệ.
Cũng trong hội thảo, hai nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Đặng Thị Phương Thảo và TS. Lê Khánh Duy đã được nhận giấy khen của thầy Hiệu trưởng vì thành tích đăng ký bằng sáng chế quốc tế thành công.