Ngày 31/12/2021, Hội đồng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN). Theo đó, Nhà trường chính thức chuyển sang giai đoạn phát triển mới từ năm 2022, tổ chức hoạt động và chịu trách nhiệm giải trình theo tinh thần Nghị định 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Xác định sứ mạng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Nhà trường đã và đang từng bước chuẩn bị cơ sở pháp lý, đổi mới mô hình quản trị, cải tiến và kiểm định các chương trình đào tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng để thích nghi với bối cảnh mới.
Bước đầu thực hiện cơ chế hoạt động mới, nhà trường đối diện với những thách thức lớn trong việc thực hiện sứ mạng, nhưng song hành đó cũng là những cơ hội để chuyển mình phát triển đột phá và bền vững. Giá trị lịch sử hơn 80 năm đúc kết từ những thành quả lao động, sáng tạo không ngừng nghỉ đến từ đội ngũ giảng viên, nhà khoa học và người học là những tài sản quý giá nhất mà trường ĐH KHTN đang sở hữu. Đây là những nền tảng vững chắc để nhà trường phát huy tối đa tiềm lực hiện có, tiến đến xây dựng mô hình quản trị đại học tiên tiến trên nền tảng tự chủ đại học, thực hiện mục tiêu chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học công nghệ mũi nhọn.
Trong nhiều năm qua, nhiều đại học trên thế giới đã đề xuất một nhiệm vụ thứ ba bên cạnh sứ mạng đào tạo và nghiên cứu, đó là kết nối và phục vụ cộng đồng (community engagement), đó là sự kết nối từ nghiên cứu tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bao gồm chuỗi các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, cấp bằng sáng chế và bản quyền, sản xuất thử nghiệm, giấy phép chuyển giao công nghệ, ươm tạo sản phẩm và doanh nghiệp trong trường đại học cho đến việc tổ chức kinh doanh, thương mại hóa ra bên ngoài trường đại học. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng không nằm ngoài xu thế chuyển đổi đó, đặc biệt là trong các hoạt động đào tạo, hoạt động ngoại khóa thúc đẩy người học và giảng viên say mê hơn trong học tập và nghiên cứu, để từ đó lan tỏa những giá trị ý nghĩa đến cộng đồng và xã hội.
TỪ NGÔI TRƯỜNG KHOA HỌC…
Trong năm 2022, nhiều Hội nghị Khoa học đã được diễn ra như Hội nghị Khoa học Trường ĐH KHTN lần thứ XIII - 2022 được phối hợp tổ chức giữa ĐHQG-HCM và Viện KH&CN Quân sự, Bộ Quốc phòng đã nhận được 583 báo cáo với chất lượng cao đến từ các nhóm nghiên cứu trong cả nước và quốc tế chia theo 10 Tiểu ban khác nhau; Hội nghị quốc tế Vật lý học (Hải dương học – Khoa học trái đất; Kỹ thuật hạt nhân – Vật lý Y khoa; Vật lý ứng dụng – Vật lý Tin học); Hội nghị về GIS và ứng dụng (IOP Conference series: Earth and Environmental Science, Khoa Môi trường), một số special issue của Vietnam Journal of Chemistry (New trends in chemistry and applications). Tổng kinh phí được cấp cho Đề tài cấp Nhà nước và hợp tác địa phương khoảng 13 tỷ đồng. Trong cả năm 2022, các nhà khoa học của Trường đã công bố 606 công bố tại các tạp chí uy tín trong danh mục Scopus, trong đó có 245 bài Q1, 183 bài Q2. (Xem thêm tại trang thông tin Science & Innovation@VNUHCM-US (research.hcmus.edu.vn). Một trong công bố đáng chú ý là công trình nghiên cứu “Save the Mekong Delta from drowning” được công bố trên tạp chí Science, góp phần nâng tầm vị thế của Trường ĐH KHTN trên trường quốc tế.
Ngoài ra, các đơn vị thường xuyên tổ chức các seminar khoa học xuyên các quốc gia nhằm chia sẻ kiến thức, nâng cao tinh thần NCKH của sinh viên, giảng viên, NCV của Trường.
…ĐẾN CÁC THÀNH TÍCH ĐỈNH CAO
Ở cấp độ quốc gia, sinh viên trường đã tham gia 56 đề tài tại Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học – Euréka do Thành Đoàn tổ chức và trong đó đã có 10 đề tài vào vòng chung kết (số lượng cao nhất so với các đơn vị khác), đạt kết quả: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba và 02 giải Khuyến khích. Đội tuyển Olympic Vật lý sinh viên đạt giải Nhất toàn đoàn, Đội tuyển Olympic Toán học đại giải thưởng xuất sắc nhất toàn quốc, Đội tuyển Olympic Sinh học đạt vị trí thứ ba toàn đoàn.
Ở tại các sân chơi học thuật, nghiên cứu khoa học đẳng cấp quốc tế, năm 2022 cũng ghi dấu thành tích của các nhóm nghiên cứu của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu viên và giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Phòng thí nghiệm Công nghệ Phần mềm (SELab) và Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo (AILab) đã tham gia 5/6 chủ đề của cuộc thi SHREC 2022. Trong đó, đạt được kết quả cao nhất trong 3/6 chủ đề. Các phương pháp của các nhóm nghiên cứu tại Trường đã được công bố cùng với các phương pháp của các nhóm nghiên cứu khác trên thế giới trong 5 bài báo trên Volume 107 của tạp chí Computers & Graphics, Elsevier (thuộc nhóm Q1); Đội HCMUSBurnedTomatoes đã xuất sắc đạt được Hạng Nhất thế giới trong cuộc thi IEEExtreme 2022. Đây cũng là đội tuyển vô địch ICPC Khu vực Châu Á 2021 và sẽ đại diện Việt Nam vào Chung kết Quốc tế ICPC (World Finals ICPC) tổ chức tại Ai Cập trong năm 2023.
Nhóm nghiên cứu PGS.TS. Trần Văn Hiếu và cộng sự, Phòng thí nghiệm Cảm biến sinh học thuộc Khoa Sinh học-CNSH, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM, Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam; TS. Trương Lâm Sơn Hải, Giảng viên khoa Hóa học và TS. Trần Thị Như Hoa, Giảng viên khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu đạt Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả cầu vàng năm 2022. TS. Trần Thị Như Hoa cũng vinh dự được bình chọn danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
TỪ NƠI ƯƠM MẦM NHỮNG NHÂN TÀI…
Trong chuỗi thành tích Olympic Toán học Quốc tế, Sinh viên Nguyễn Mạc Nam Trung và Nguyễn Tiến Hoàng (Khoa Toán – Tin học) là 02 trong số 05 sinh viên có giải Nhất cả 02 môn Đại số và Giải tích. Cả 02 đều là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG-HCM, trong đó Nam Trung đã từng được biết đến với thành tích Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế IMO 2020 khi còn là học sinh, cũng giành số điểm gần tuyệt đối của Kỳ thi (29,5/30đ môn Đại số và 30/30đ môn Giải tích). Các sinh viên đã được những thầy cô tâm huyết của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Phổ thông Năng khiếu, để từ đó lựa chọn ngôi trường Khoa học này để là nơi ươm mầm ước mơ.
Với nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, Trường ĐH KHTN đã dành ra hơn 2 tỷ học bổng dành cho các sinh viên có thành tích cao trúng tuyển vào 07 ngành phục vụ mục tiêu phát triển khoa học công nghệ quốc gia và phát triển bền vững. Trường ĐH KHTN cũng tự hào tặng 03 suất học bổng toàn phần cho cả 03 học sinh duy nhất khu vực miền nam đạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học, Tin học và Hóa học năm 2022 đã lựa chọn Nhà trường là nơi học tập; Chương trình tiên tiến Khoa học máy tính (APCS) cũng đã đặt mốc điểm chuẩn trúng tuyển lịch sử là 1001.
Sinh viên Nguyễn Việt Phong (Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế) vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và sinh viên Lê Hữu Nghĩa (Huy chương Bạc Olympic Tin học quốc tế), Phạm Hoàng Sơn (Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế) vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
…ĐẾN LAN TỎA GIÁ TRỊ CHO CỘNG ĐỒNG
Những hoạt động của đồng hành cùng sinh viên học tốt và tích cực nghiên cứu khoa học: Cuộc thi ý tưởng sáng tạo sinh viên S-Ideas, Chương trình Ươm mầm nghiên cứu khoa học sinh viên, Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – công nghệ; Những hoạt động của CLB Ong nghiên cứu; Những công trình, phần việc của sinh viên đóng góp cho các hoạt động phong trào của thành phố và cả nước đều đã được ghi nhận và xem như những hình mẫu của phong trảo sáng tạo.
Các nhà khoa học của Trường ĐH KHTN đã và đang thực hiện 297 đề tài với kinh phí 31,366 tỷ đồng trong đó có thể kể đến 110 đề tài cấp ĐHQG-HCM (34 đề tài loại A, B và 76 đề tài loại C) với kinh phí được cấp 19,645 tỷ đồng. Trường ĐH KHTN cũng đã và đang thực hiện 131 đề tài cơ sở với kinh phí 7,2 tỷ đồng.
Các đề tài/dự án liên ngành vẫn tiếp tục được thực hiện như: Nghị định thư với Israel do TS. Nguyễn Trí Nhân (Khoa Sinh học-CNSH) chủ trì; 01 Đề tài VinIF do PGS. TS. Nguyễn Đức Hoàng (TT Khoa học và Công nghệ Sinh học) chủ trì; 01 Đề tài cấp Nhà nước do PGS. TS Tôn Thất Quang và GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Khoa Hoá học) chủ trì; 01 Đề tài cấp Nhà nước do PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà (Khoa Sinh học-CNSH) chủ trì. Dự án nghiên cứu chung “Plant species diversity in VietNam”, do Khoa SH-CNSH phụ trách (hợp tác với Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Nhật Bản) đang được thực hiện, giai đoạn 2021 - 2026.
Hàng loạt các giảng viên, sinh viên được vinh danh các danh hiệu tiêu biểu như:
+ GS.TS. Châu Văn Tạo được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982-2022 và TS. Nguyễn Thanh Bình được nhận giải thưởng Nhà giáo xuất sắc tiêu biểu năm 2021
+ GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai đã có nhiều thành tích xuất sắc trong NCKH, đã đạt giải thưởng Kovalevkaia năm 2021.
+ 03 Giảng viên được khen tặng Giảng viên của năm 2022 do ĐHQG-HCM trao tặng: PGS.TS. Tô Thị Hiền (Khoa Môi Trường), PGS.TS. Hoàng Thị Đông Quỳ, (Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu), TS. Nguyễn Thanh Bình (Khoa Toán –Tin học).
+ 02 Giảng viên/Nhóm Giảng viên được khen tặng Giảng viên dạy trực tuyến xuất sắc học kỳ 1 – Năm học 2021 – 2022.
+ 02 Nữ sinh viên được khen thưởng danh hiệu Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực KHCN
+ Các phòng thí nghiệm và giảng viên được vinh danh Giải thưởng Khoa học Công nghệ ĐHQG-HCM:
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên vẫn luôn tự hào với các thế hệ cựu sinh viên, giảng viên với thành tích nghiên cứu khoa học – công nghệ tiêu biểu, làm rạng danh Việt Nam trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, từ những thế hệ tiền nhân đã là sư trưởng của nhiều thế hệ nhân tài, đến những nhân tố đang miệt mài say mê với con đường mình đã chọn như: TS. Phan Minh Liêm - người Việt Nam đầu tiên 4 lần được vinh danh trên bức tường danh dự của Viện nghiên cứu ung thư hàng đầu thế giới MD Aderson; GS.TS Phan Thành Nam - người Việt đầu tiên được trao giải thưởng chính thức của Hội Toán học Châu âu (EMS); Lê Yên Thanh – Forbes Asia 30 under 30, người từ chối Google để về Việt Nam khởi nghiệp với nền tảng mình đã phát triển từ thời sinh viên, BusMap;…Nhiều cựu sinh viên trường cũng đang là những chính khách, đã và đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước.
GS. Phan Thành Nam giao lưu cùng Giảng viên và người học của Khoa Toán - Tin học
Vẫn còn đó những khó khăn, vẫn còn đó những thách thức, nhưng những thành tựu của các thế hệ giảng viên, người học luôn là những tài sản vô giá tạo nên những giá trị bền vững cho Trường ĐH KHTN, và đó cũng chính là niềm hạnh phúc của những ai đã và đang thuộc về Ngôi trường Khoa học này.