Hội thảo được tổ chức nhằm huy động các bên liên quan ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu chia sẻ kiến thức về các loài chim nước di cư, đặc biệt là các loài nguy cấp ở ven biển miền nam Việt Nam; xác định các mối đe dọa đối với những vùng đất ngập nước ven biển, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Mêkong; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản lý, bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển.
Đồng thời xác định và thống nhất về các hoạt động cần thiết để tăng cường bảo vệ các hệ sinh thái ngập nước ở Việt Nam, tập trung vào việc thực hiện chỉ thị 04 và cam kết của Việt Nam đối với Công ước Ramsar.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đầu ngành, các nhà bảo tồn, đại diện các bộ môn liên quan thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Sinh thái học Miền nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tổ chức Quốc tế BirdLife, Hiệp hội Bảo tồn Chim Thái Lan cùng đại diện của các sở tài nguyên - môi trường, chi cục kiểm lâm ở TP.HCM và nhiều địa phương như Bến Tre, Tiền Giang…, đại diện vườn quốc gia Xuân Thủy, Tràm Chim…
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Trần Lê Quan, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết, Việt Nam sở hữu nhiều vùng đất ngập nước ven biển quan trọng nhất đối với các loài chim di cư qua Đông Nam Á, trên đường bay Đông Á – Úc Châu. Một số vùng đất ngập nước này tọa lạc dọc bở biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là một phần không thể thiếu đối với cộng đồng địa phương. Tuy vậy, các vùng đất ngập nước ven biển trong khu vực gần như không được bảo vệ, cũng như Việt Nam có rất ít khu bảo tồn để bảo vệ các khu rừng ngập mặn và các bãi triều ven biển.
Tầm quan trọng của các bãi triều đối với việc nuôi trồng hải sản và các hoạt động du lịch sinh thái cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ các hệ sinh thái này. Đồng thời việc bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển cũng góp phần tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Cùng nói về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước ven biển, ông Nguyễn Hữu Thiện – Chuyên gia độc lập về Sinh thái học Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng đây là nơi kết nối sinh thái giữa vùng biển và vùng nội địa, là nơi sinh sản của các loài thủy hải sản và kiếm ăn của các loài chim di cư.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, một số thách thức mà hệ sinh thái của các vùng đất này đang gặp phải bao gồm sự mất kết nối giữa biển và sông do các hoạt động đắp đê, làm cống chặn biển… trong quá trình canh tác và quy hoạch lấn biển; biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước ven bờ tăng; ô nhiễm môi trường; sụt lún đất đai do khai thác nước ngầm quá mức…
Ông Thiện đưa ra một số ý kiến nhằm bảo tồn và phát triển vùng đất ngập nước ven biển như đảm bảo sự kết nối giữa biển và đất liền, bảo vệ sự đa dạng của các vùng đất ngập nước ven biển gồm bãi bồi, bãi cát, đầm lầy mặn, rừng ngập mặn…, tạo ra “vùng lùi” để đảm bảo có chỗ cho sự dịch chuyển của rừng ngập mặn vào đất liền trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cuối cùng là trồng rừng đa dạng, có cấu trúc, không trồng đơn loài ở khu vực này.
Ngoài ra, theo TS. Vũ Ngọc Long – nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam, để bảo tồn hiệu quả các vùng đất ngập nước ven biển, chúng ta cần bảo tồn sinh kế của người dân, thực hiện mô hình đồng quản lý, đưa doanh nghiệp tham gia chương trình sử dụng bền vững vùng ngập nước ven biển. Ông cũng đưa ra lời khuyên cần hết sức thận trọng khi tính toán việc xây dựng các vùng công nghiệp, vùng điện gió ven biển… để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới hệ sinh thái nơi đây và việc di cư, kiếm ăn của các loài chim.
(Tin trích dẫn từ Tạp chí điện tử Nông thôn Việt, Bảo tồn các vùng đất ngập nước và hệ sinh thái ven biển (nongthonviet.com.vn))