Vừa qua (ngày 05/10), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức “Lễ ra mắt Câu lạc bộ Khoa học Tự nhiên” với mục đích thúc đẩy chia sẻ thông tin, ý tưởng; kết nối, trao đổi và hợp tác với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài Trường.
Câu lạc bộ (CLB) sẽ là nơi tổ chức các hoạt động học thuật dành cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Trường để xây dựng và phát triển một cộng đồng nhà khoa học liên lĩnh vực; qua đó triển khai các nhiệm vụ trọng điểm, các dự án mang tính liên ngành trong lĩnh vực khoa học Tự nhiên.
Ra mắt các thành viên chủ nhiệm CLB KHTN
Tham gia buổi lễ có GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp, nay là Trường ĐH KHTN, BGH Nhà trường cùng lãnh đạo các phòng ban, cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên của Trường ĐH KHTN.
Phát biểu tại lễ ra mắt CLB, GS.TS Trần Linh Thước - Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN mong rằng CLB sẽ hoạt động hiệu quả với mục tiêu xây dựng được các nhóm cứu mạnh, nhóm nghiên cứu liên ngành từ các nhà khoa học trong Trường.
Sau lễ ra mắt, CLB đã có buổi sinh hoạt đầu tiên với phần báo cáo của TS Lê Xuân Thuyên xoay quanh chủ đề làm sao để tối đa hóa thành công của hợp tác-tích hợp liên ngành.
TS Lê Xuân Thuyên báo cáo tại buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB
CLB Khoa học Tự nhiên ra đời xuất phát từ nội dung trong Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 của Trường ĐH KHTN, đó là “xây dựng dựng tiềm lực nghiên cứu mạnh, tạo ra các sản phẩm KHCN xuất sắc” và triển khai “Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh liên ngành, gắn kết chặt chẽ với các đơn vị đào tạo”. CLB sẽ hoạt động theo 02 hình là thông tin khoa học trên website của Trường và sinh hoạt, giao lưu hằng tháng với các báo cáo theo chủ đề và thảo luận, trao đổi ý kiến.
Nội dung sinh hoạt chủ yếu là trao đổi, giới thiệu các chủ đề khoa học mới, các vấn đề, chủ đề khoa học có tính liên ngành; đề xuất các ý tưởng, chủ đề nghiên cứu mới, phát triển chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, CLB cũng sẽ hỗ trợ xúc tiến việc trao đổi ý tưởng khoa học, các vấn đề chủ đề nghiên cứu có tính liên ngành giữa giảng viên, nghiên cứu viên các khoa, viện, trung tâm, phòng thí nghiệm nghiên cứu trong toàn Trường. Tạo cơ hội cho cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong trường giao lưu học thuật, hợp tác, cộng tác với nhau trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Từ đó, góp phần hình thành các nhóm nghiên cứu khao học, chuyển giao công nghệ mạnh liên ngành.
Ngoài cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Trường, CLB còn có thể mời các nhà khoa học bên ngoài tham dự các buổi sinh hoạt khi cần thiết nhằm mở rộng giao lưu giữa các nhà khoa học trong và ngoài Trường.
Các đại biểu tham dự lễ ra mắt CLB KHTN
Tin KHTN