Hình chụp tập thể trong buổi lễ bế mạc.
Đến với cuộc thi cuộc thi quốc tế Service Learning (SL)/SL-STEM tại trường Đại Học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh 2019, 6 chuyên gia từ Ai Len, Đức và Anh và người tham dự có cơ hội chiêm ngưỡng gần 50 dự án SL – STEM từ Việt Nam và Ai Len bao gồm 14 bài báo cáo và 35 posters.
PGS. TS. Trần Minh Triết phát biểu khai mạc cuộc thi.
Cuộc thi đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên và đối tác dự án là trường Đại học Tổng hợp Dublin, Ai Len. Khai mạc cuộc thi, PGS. TS. Trần Minh Triết đề cập đến tầm quan trọng của việc ứng dụng STEM hỗ trợ cộng đồng trong quá trình dạy và học: “Cuộc thi mang đến cơ hội cho cả thầy và trò giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, giúp nâng cao và lan tỏa nhận thức của cộng đồng về việc áp dụng
SL – STEM trong công tác dạy và học…”. Trong bài phát biểu của đại diện đến từ trường ĐH Tổng Hợp Dublin, Thạc sĩ Joanna Ozarowska đã bày tỏ sự biết ơn đến đơn vị tài trợ Irish Aid và đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam vì đã hỗ trợ cho dự án ý nghĩa này. Dự án đã thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Ai Len trong xu hướng hội nhập và phát triển của thế giới.
Các bài báo cáo và thí nghiệm vô cùng thú vị từ các đội thi.
Người tham dự tham gia buổi triển lãm poster.
Cuộc thi đã tạo dấu ấn đẹp bởi những ý tưởng sáng tạo và thiết thực, bởi sự nhiệt thành và chuẩn bị chu đáo cho mỗi phần trình bày từ triển lãm poster đến bài thi, giúp cho người tham dự và đặc biệt là các chuyên gia quốc tế có cái nhìn rõ nét hơn về tinh thần và trí tuệ Việt cũng như những ý tưởng phục vụ cộng đồng giá trị từ các đội Ai Len.
Sau gần hai ngày miệt mài làm việc, các chuyên gia đến từ Ai Len, Đức và Anh đã thống nhất giải thưởng dành cho các đội như sau:
Giải thưởng duy nhất dành cho đội Ai Len xuất sắc nhất trị giá 1000 € được trao cho Austin Campbell, tác giả của dự án: “My Streets”. Dự án hướng đến việc hỗ trợ những người vô gia cư tham gia các chương trình đào tạo du lịch ngắn hạn với các chuyên gia giỏi. My Streets cung cấp các cơ hội việc làm như một hướng dẫn viên du lịch cho các học viên tốt nghiệp. Kiến thức và kinh nghiệm sống phong phú của những hướng dẫn viên này sẽ giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị về những nơi họ viếng thăm.
Cô Joanna Ozarowska công bố giải thưởng dành cho đội Ai-Len xuất sắc nhất.
Bốn giải thưởng dành cho các đội Việt Nam bao gồm:
Giải khuyến khích với phần thưởng 150 € được trao cho nhóm học sinh Nguyễn Hải Anh, Đỗ Minh Châu, Chu Thiên Khải dưới sự hướng dẫn của cô Bùi Diệu Linh đến từ Hà Nội với dự án: “Water treatment by mucilage extracted from dragon fruit peel”. Ý tưởng sử dụng vỏ thanh long để làm sạch các nguồn nước nhiễm bẩn cho thấy tư duy và khả năng của các em trong nghiên cứu khoa học và thực hiện dự án.
Dự án: “SL-STEM Education in the development of environmental awareness among students” của các sinh viên Phạm Việt Dũng, Hoàng Ngọc Ánh, Đào Thị Bích Hà, Trần Thị Thanh Hà đến từ Đại học Sư phạm Hà Nội đã thuyết phục các chuyên gia trao Giải ba với phần thưởng 200 € với ý tưởng xây dựng trang học thuật “Vui học STEM” để hỗ trợ cho giáo viên và học sinh các cấp tiếp cận với giáo dục STEM một cách dễ dàng thông qua phần báo cáo sinh động cùng các mô phỏng thí nghiệm ấn tượng.
Giải nhì với phần thưởng 300 € được trao cho các thành viên Nguyễn Thị Thành Nhơn, Phan Thị Thùy An và Ngô Thụy Khuyên của nhóm dự án: “Plastic or Planet” đến từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Sư phạm và Stemhouse Education. Là nhóm báo cáo cuối cùng nhưng khiến người nghe hứng khởi bởi khả năng thuyết trình trôi chảy của các báo cáo viên về ý tưởng đào tạo đại sứ rác thải nhựa và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, phần kết gây ấn tượng mạnh với bài rap sôi động và ý nghĩa đến từ hai học sinh cho thấy sự nâng tầm trong tư duy và ý thức của các em sau khi tham gia vào chương trình tập huấn mà nhóm dự án triển khai.
Với sự chuẩn bị công phu từ poster thủ công đến phần báo cáo ấn tượng cùng đa dạng sản phẩm, nhóm học sinh Đặng Tiến Thành, Phạm Thị Phương Anh, Lê Thu Hương, Đào Thị Hồng Quyên đến từ trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Tp. Nam Định với dự án: “A bioplastic based agricultural waste solution to the plastic problem” đã xuất sắc dành chiến thắng chung cuộc khi đề xuất ý tưởng sử dụng vỏ tôm để tạo ra những sản phẩm nhựa sinh học thân thiện với môi trường. Chuyến đi Ai Len 6 ngày để báo cáo tại hội thảo khoa học ở Đại học Tổng hợp Dublin, đồng thời giao lưu học hỏi với các đội Ai Len và viếng thăm các trung tâm giáo dục kết nối cộng đồng là phần thưởng xứng đáng cho công sức và tâm huyết của cô trò trường Lê Hồng Phong.
Hình chụp ban giám khảo cùng đội giành giải nhất cuộc thi.
PGS. TS. Trần Văn Mẫn, trưởng phòng Khoa học Công nghệ phát biểu bế mạc cuộc thi với lời cảm ơn đến người tham dự, lời tri ân sâu sắc đến đơn vị đối tác là Đại học Tổng hợp Dublin và đơn vị tài trợ Irish Aid đã hỗ trợ và giúp cuộc thi thành công tốt đẹp.
Cuộc thi kết thúc, tạm khép lại một chặng đường hai năm hợp tác giữa Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. HCM và Đại học Tổng hợp Dublin với nhiều chương trình tập huấn và hội thảo về Giáo dục STEM kết nối cộng đồng, nhưng chắc chắn sẽ mở thêm nhiều hướng đi mới cho những chương trình hợp tác quốc tế trong tương lai.
Ban giám khảo và đội giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế SL/SL-STEM 2019.
Nguồn: Nhóm nghiên cứu SL-STEAM
Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh