CHUYỆN VỀ “NGÀY SINH NHẬT THỨ HAI”
… Những ngày này, TP. Hồ Chí Minh cùng cả nước tưng bừng nhộn nhịp kỷ niệm 43 năm ngày Chiến thắng 30-4, ngày nhân dân ta giành được Độc lập-Tự do và thống nhất toàn vẹn đất nước. Nhiều đồng bào, đồng chí và đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh gian khổ này. Đối với những cựu chiến binh chúng tôi, ngày 30-4-1975 luôn nằm trong ký ức như một “ngày sinh nhật thứ hai” trong cuộc đời …
… Đầu tháng 4-1975, đang chiến đấu bao vây chi khu 75 (Tuyên Nhơn – Kiến Tường), Sư Đoàn 5 của chúng tôi được lệnh hành quân cấp tốc xuống “cắt đứt” Lộ 4 (nay là Quốc lộ 1)
Đơn vị chúng tôi chịu trách nhiệm chặn đánh đoạn từ Bến Lức (Long An) đến Thị trấn Tân Hiệp (Huyện Châu Thành, Mỹ Tho). Bị chặn mất “con đường huyết mạch” tiếp tế từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên Sài Gòn, địch tập trung hỏa lực và lực lượng phản công dữ dội. “Dàn nhạc Tân Tây Lan” (chúng tôi gọi dàn pháo đại bác của địch như vậy) “hòa tấu” liên tục ngày đêm. Dưới đất xe tăng, xe bọc thép M.113 quây tròn, trên đầu trực thăng quần đảo bắn như vãi …
Sau mấy ngày chiến đấu không cân sức, địch bao vây và hỏa lực cực mạnh, đơn vị chúng tôi thiệt hại khá nặng, nhưng cũng hoàn thành nhiệm vụ, tạm rút về căn cứ. Tổ 3 người thân thiết của tôi chỉ còn sót lại mình tôi, 2 người anh quê Hải Dương tên: Phong (tổ trưởng), Số (giữ B40) đã hy sinh… Gia đình cũng tưởng tôi đã hy sinh trong trận này, vì giấy tờ của đơn vị bị lọt vào tay địch và chúng công bố tên tuổi các “Việt Cộng đã tử trận” trên mục “Sinh Bắc tử Nam” của Đài phát thanh Sài Gòn… (các gia đình có con em đi chiến đấu chiến trường B thường lén nghe và truyền thông tin cho nhau tin tức về con em mình, thời đó không có các phương tiện thông tin liên lạc như bây giờ)
… Chiến dịch Hồ Chí Minh được triển khai.
Tin tức quân ta chiến thắng khắp nơi và đang tiến về Sài Gòn khiến chúng tôi vô cùng náo nức. Có tin địch sẽ kéo quân về miền Tây “tử thủ”.
Tối 29-4-1975, Trung đoàn chúng tôi được lệnh tấn công vào sân bay Cần Đốt (Long An) – tại đây có một trận địa pháo 155mm của địch luôn bắn phá khống chế các tỉnh xung quanh. Trận chiến kéo dài đến mờ sáng 30-4, thêm một số đồng đội (trong đó có những anh em đồng hương Hà Nội cùng nhập ngũ một ngày với tôi) đã hy sinh trong trận này.
Rạng sáng 30-4, đơn vị tôi chiếm được sân bay và bắt đầu lùng sục tàn quân địch. Tôi vào 1 căn phòng chỉ huy sở sân bay, quang cảnh ngổn ngang, trên tường treo bức ảnh cái mặt bóng nhẫy của “Tổng thống” Nguyễn Văn Thiệu. Vẫn còn tâm trạng thương tiếc các đồng đội đã hy sinh, tôi “điểm xạ” 2 viên AK vào cái mặt đáng ghét đó. Chợt trong chiếc tủ đứng ở góc phòng nhào ra 1 viên trung úy ngụy. Anh ta phanh ngực áo: “Chúng tôi thua rồi, nhục quá. Hãy bắn tôi đi…!”. Sau 1 phút hơi ngạc nhiên về thái độ “võ sĩ đạo” đó, tôi khuyên anh ta bình tĩnh và áp giải về giao cho bộ phận giữ tù binh. Trên đường đi hỏi chuyện, anh ta nói đã tốt nghiệp Luật khoa rồi vào trường sỹ quan, gia đình còn vợ và 2 con nhỏ. Tôi nói về chính sách nhân đạo của cách mạng đối với tù binh và khuyên anh ta nên nghĩ đến gia đình, đất nước sắp hòa bình rồi … anh ta có vẻ bình tĩnh lại và xin chiếc xanh-tuya (thắt lưng quân sự) và cái bình toong nước làm kỷ niệm. Tôi đồng ý…
… Chiều 30-4-1975, sau khi tiếp quản Thị xã Tân An (Long An), chúng tôi được lệnh tiếp tục hành quân về phía Mỹ Tho. Lúc này Sài Gòn đã được giải phóng, nhưng ở các tỉnh miền Tây lính ngụy chưa chịu đầu hàng. Tôi được trung đoàn cử đi phối thuộc cùng tiểu đoàn 3. Bộ đội hành quân hai bên đường Lộ 4, Ban chỉ huy Tiểu đoàn kiếm đâu được 2 chiếc xe jeep nên bảo tôi và người lính thông tin liên lạc cùng lên xe.
17g30 đến địa phận thị trấn Tân Hiệp (Châu Thành-Mỹ Tho) thì một tốp lính ngụy chốt trên đường chặn lại. BCH Tiểu đoàn cử tôi (đứng trên xe) thuyết phục bọn lính bỏ súng. Tôi nói : “Chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng cách mạng rồi…Các anh hãy buông súng, về nhà làm ăn…”…Một tên trong bọn trả lời : “Ở đây chưa có lệnh đầu hàng”, rồi chĩa súng M.79 (còn gọi là súng phóng lựu, đạn bắn vòng cầu, chạm vật cản mới phát nổ) về phía xe tôi bóp cò (may là chúng không dùng súng M.16 bắn đạn thẳng, nếu không thì … bây giờ không còn để viết).
Tất cả chúng tôi nhảy ào xuống đường nấp sau 2 chiếc xe jeep bắn trả. Tôi cũng dùng M.79 bắn vòng cầu qua xe “đáp lễ” (hôm đó tôi vũ trang “tận răng” với 3 loại súng và 1 ba lô đầy đạn M.79 và AK). Bộ đội ta đang hành quân sau phía xa nghe tiếng súng nổ, vận động tiến lên và một cuộc đọ súng dữ dội xảy ra. Mảnh đạn văng xuống đường nhựa rào rào, trong lúc chúng tôi vẫn nấp sau chiếc xe jeep trên mặt đường vì đạn bắn rát quá, ló người ra chắc “dính”. Tôi quay sang anh lính thông tin bên cạnh, chợt bật cười vì vành tai anh bạn bị mảnh đạn văng trúng rách đôi. Anh bạn chỉ tôi “mặt cậu có máu kìa” … thì ra 1 mảnh đạn M.79 văng từ đường nhựa lên sướt qua cằm tôi từ lúc nào (may là chỉ để lại 1 vết sẹo nhỏ trên cằm)…
Khoảng 20g, tiếng súng bên địch êm bặt. Chúng tôi tiến vào chiếm thị trấn Tân Hiệp. Cuộc truy lùng tàn quân kéo dài suốt đêm…
Bình minh ngày 01-5-1975 đến thật thanh bình, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Không một tiếng nổ … Không còn gì chứng tỏ đêm qua trận chiến còn dữ dội nơi đây….“Hòa bình rồi ! Sống rồi !” chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ.
Các căn nhà dân vẫn còn đóng cửa im ỉm, người ta còn sợ chưa dám bước ra đường… Tôi đang đi tuần tra dọc đường lộ, chợt có tiếng gọi “Chú giải phóng !”… Một ông chủ tiệm ảnh ló ra : “Vào đây tôi chụp cho tấm hình kỷ niệm”... Tôi bước vào tiệm (vì cũng muốn thân thiện với nhân dân), và thế là hôm sau tôi nhận được một tấm ảnh kỷ niệm vào đúng ngày đất nước giải phóng (dĩ nhiên là ông chụp ảnh và tặng 1 tấm duy nhất miễn phí, vì hôm đó tôi đâu có tiền, … và ông còn phóng lớn để trưng ở cửa tiệm nhiều ngày sau nữa)…
Chúng tôi không có cách gì báo tin cho gia đình, vì thời đó chỉ có thể gửi thư qua đường quân bưu, vài tháng sau mới đến tay gia đình (Tháng 8-1975, gia đình tôi mới biết tôi còn sống). Trong chiến tranh, có gia đình nhận được thư con báo tin còn sống trong khi người viết đã hy sinh …
Ngày nay, bức ảnh được tôi dành một chỗ treo trang trọng ở phòng khách. Chiến tranh đã qua đi lâu rồi và đất nước đang bước vào thời kỳ mới. Chúng tôi cũng đã trưởng thành rất nhiều. Nhưng ký ức trong tôi không quên những năm tháng ấy … Mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày 30-4, ngày nhập ngũ, ngày thương binh liệt sĩ 27-7, ngày thành lập Quân đội NDVN 22-12, …những người lính cựu chiến binh cùng đơn vị chúng tôi lại tụ họp nhau, tưởng nhớ đến những đồng đội đã nằm xuống, nhắc nhở và giúp đỡ nhau sống cho xứng đáng. Mỗi ngày, đối diện trước bức ảnh, nhìn người chiến sĩ giải phóng trẻ tươi cười trong ảnh, tôi lại thầm tự nhủ mình sẽ giữ mãi “chất lính Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống, mãi mãi là như thế …
(Nhữ Đình Ngoạn – Chủ tịch Hội CCB Trường ĐH.KHTN)